Thời vận kém, vận khí suy, tâm bất an, làm việc gì cũng khó khăn, trắc trở. Những việc tưởng chừng đơn giản cũng trở nên phức tạp, bế tắc. Tất cả những điều này là do đâu? Kinh Bát Đại Nhân Giác có nói về Tứ Ma: Phiền Não Ma, Ngũ Ấm Ma, Thiên Ma và Tử Ma. Hai con ma bên trong, hai con ma bên ngoài. Tuy nhiên, ngoài Tứ Ma, còn vô số chướng ngại khác, trong đó hai chướng ngại lớn nhất chính là Nghiệp Chướng và Oán Gia Trái Chủ.
Nghiệp chướng là những nghiệp quả do chính chúng ta tạo ra trong quá khứ, nay quay trở lại ngăn trở, cản bước chúng ta trên con đường tiến tới. Ví dụ, thói quen ăn khuya gây hại sức khỏe, khiến cơ thể suy nhược, khó lòng dậy sớm, tinh thần uể oải, công việc khó thành.
Nói về nghiệp, “nghiệp sự” là việc làm, “nghiệp” là kết quả hay còn gọi là “tác nghiệp”. Ta thường nghe “đồng nghiệp”, “sự nghiệp”, “thất nghiệp”. Bản thân từ “nghiệp” không xấu cũng không tốt, nhưng do chưa hiểu rõ nên nhiều người xem đó là từ nhạy cảm, thường dùng để nói về số phận kém may mắn. Ví dụ, có người than thở: “Nghiệp tôi thế này, tôi phải chịu”.
Ban đầu, ta tạo nghiệp, sau đó nghiệp dẫn dắt ta. Nghiệp là những hành động lặp đi lặp lại, lâu ngày tích lũy thành nhân, dẫn đến quả báo. Nhân thiện thì quả thiện, nhân bất thiện thì quả bất thiện. Đời này vận khí kém, làm việc gì cũng khó thành, chính là do trong quá khứ đã tích lũy quá nhiều nghiệp bất thiện, nay quả báo gây chướng ngại.
Để giảm nghiệp bất thiện, không gì thiết thực bằng tu tập Mười Nghiệp Thiện. Tu Mười Nghiệp Thiện chính là cách giảm trừ nghiệp chướng trong quá khứ. Vậy còn chướng ngại do oán gia trái chủ thì sao? Làm thế nào để tiêu trừ, giảm bớt chướng ngại do oán gia gây ra?
Vận khí kém, vô vàn chướng ngại, một phần do nghiệp chướng tự mình gây ra, một phần do oán gia trái chủ ngăn trở. Sám hối là bước đầu tiên để giảm trừ chướng ngại từ oán gia. Tu tập Mười Nghiệp Thiện là cách giảm trừ nghiệp chướng từ bên trong.
Giả sử, trước đây ta vô tình gây mích lòng hàng xóm mà không hay biết. Khi có chuyện xảy ra, họ quay lưng không giúp đỡ. Một hôm, ta mang ít trái cây sang biếu, thành tâm xin lỗi, mong họ bỏ qua. Nếu gặp được người rộng lượng, họ sẽ tha thứ. Gặp được hàng xóm rộng lượng cũng là một dấu hiệu cho thấy vận khí của ta đang dần tốt lên.
Tương tự như vậy, khi ta thành tâm sám hối, hướng về những chúng sinh mà ta đã vô tình hay cố ý gây tổn hại, họ nghe được lời khấn nguyện, sẵn lòng tha thứ, không còn theo quấy nhiễu.
Có người nói: “Tôi sống thiện lương, làm gì có oán với ai?”. Nhân duyên có gần có xa, gần thì ta thấy, xa xôi ta không thấy biết. Ví dụ, ta biết ngôi nhà mình đang ở được xây khi nào, nhưng mảnh đất này trăm năm trước ra sao, ta không hề hay biết. Bản thân ta cũng vậy, ta không thấy biết nghiệp quả đời trước của ta đã gây oán với ai. Nói “không duyên không nợ không thể kết giao” dù thuận hay nghịch duyên đi chăng nữa, tức là đã có nhân duyên từ trước. Vì vậy, sám hối xin họ buông bỏ oán giận cũ là điều cần thiết để mong được thuận lợi trên đường đời, thay đổi vận khí tốt hơn.
Không gì bằng “trước sám sau tu”. “Con xin tất thảy chúng sinh con đã vô tình hay cố ý tổn hại, xin chư vị rộng lòng bỏ qua, tìm đường về thế giới quang minh, tìm đường về phương Tây Cực Lạc, không còn theo con trong vòng luân hồi nữa. Nay con phát nguyện làm lành, hồi hướng đến chư vị. Xin chư Phật Bồ Tát gia hộ”. Đây là bài văn sám hối đơn giản.
Khi sám hối, cầu xin hay làm việc gì, hãy hiểu rõ ý nghĩa và làm với tâm thành thì mọi việc sẽ hanh thông. Mục đích của sám hối là để ta biết nhận lỗi, sám hối oán gia, để họ không còn theo quấy nhiễu, giảm bớt chướng ngại. Sau đó, ta tìm pháp môn tu hành. Tu hành là lấy đời sống, hành vi hằng ngày ra sửa đổi. Nên nói “trước sám sau tu”, ý là bạn phải nhận ra lỗi lầm, xin người khác lượng thứ, đồng thời trong tâm biết sửa đổi, có như thế mới không tái phạm lỗi cũ, không tạo thêm oán mới, thuận lợi trên bước đường tu học.
Tuy nhiên, nếu tự sửa đổi sẽ khó thông, không có pháp môn, không có phương hướng. Ví như không có la bàn, không xác định được phương hướng. Hãy chọn cho mình một pháp môn để hành trì, một pháp môn để sửa đổi, giảm đi nghiệp oan gia, đoạn ma chướng, gần Bồ Tát.
Pháp là phương pháp, môn là cánh cổng. Lục Độ Hạnh Bồ Tát là pháp môn thực hành, là pháp môn thực tế.
Thay đổi vận khí hay còn gọi là cải vận, không gì bằng tu học. Mỗi khi vận khí kém, sắc thái kém, nhiều chướng ngại, việc không thành, thiện tri thức lại rời xa ta, tất thảy là do đâu?
Nhớ lại thời gian trước, cuộc sống khốn khó, không hiểu sao mình quá xui xẻo. Không lý giải được sao nhiều người rất giỏi lại không thành công, nhiều người rất bình thường lại làm ăn phát đạt. Sau này mới ngộ ra, do mệnh đã định. Mệnh có tiền sẽ có tiền, mệnh không tiền có làm phi pháp cũng không có.
Có người nghiên cứu Tử Vi, Bát Tự, những môn đoán được vận mệnh, đoán được họa phúc từ ngày sinh. Nhưng tiếc thay, không nhiều người đặt câu hỏi mệnh từ đâu có, họa phúc từ đâu sinh. Họ đa phần đi tìm đáp án, dùng phong thủy để thay đổi số mệnh, không khéo bị vòng luẩn quẩn của ngũ hành kéo vào đường dữ. Số mệnh là có, phong thủy giúp môi trường tốt hơn là có, nhưng có sự hạn chế vì tất thảy chịu sự ảnh hưởng bởi nhân quả, bởi âm dương.
Người muốn thoát khỏi vận khí kém, muốn hanh thông, muốn được may mắn, được thêm nhiều phước, hãy bắt đầu bằng sám hối. Bước thứ hai là tu từ bi. Từ bi là khéo giữ khẩu nghiệp. Bước thứ ba là khéo giữ ý nghiệp, không nói lỗi người. Chỉ cần ba pháp môn trên, trong 3 năm, bạn hoàn toàn có thể thay đổi vận khí, chiến thắng ma chướng, chiến thắng con ma bên ngoài lẫn con ma bên trong, tự mình đổi vận bằng pháp môn nhân quả.