Tu tập, tu hành chính là việc sửa đổi hành vi trong đời sống hàng ngày. Không nhất thiết phải vác ba lô lên núi một mình hay ngồi thiền hàng giờ. Người có gia đình, làm tròn bổn phận của mình cũng chính là đang tu. Người có thói quen bất thiện, sửa đổi hành vi cũng là tu. Trong lúc phiền não, khổ đau, tìm thầy lành bạn tốt hỏi đạo cũng là một cách tu. Nhà dột thì sửa nhà, thân bệnh thì tìm bác sĩ, tâm loạn thì tìm pháp lành, tất cả đều là tu sửa thân, miệng, ý.
Người đang thiền định
Có người cho rằng sống ngay thẳng, không hại ai là đủ, trời đất tự biết, không cần tu. Quan điểm này không sai nhưng chưa đủ. Sẽ có lúc chúng ta nghi hoặc, tại sao sống ngay thẳng mà vẫn gặp nhiều khổ nạn? Khi giáo dục con cái, ta cũng không thể chỉ nói suông “sống ngay thẳng” mà cần phải giải thích rõ ràng thế nào là sống ngay thẳng, sống tốt.
Sống ngay thẳng, sống tốt, không hại ai là lẽ thường. Giống như việc đi xe phải tuân thủ luật giao thông, tuân thủ quy định của nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, người hiểu giáo lý trong kinh Phật có thể phân tích rõ ràng mọi vấn đề, không bị nhầm lẫn hoặc nghi hoặc.
Hình ảnh đèn giao thông
Thế nào là sống thiện? Kinh Thập Thiện dạy rằng, những việc làm có lợi ở tương lai là thiện. Ví dụ, con cái hư hỏng không nghe lời, ta ra sức dạy dỗ, thậm chí phạt chúng. Hiện tại có thể gây thiệt thòi cho con, nhưng tương lai chúng nên người, đó là việc có lợi về sau.
Mục đích của tu sửa là chỉnh đốn lại bản thân, bỏ ác theo thiện, giảm nghiệp, bồi phước. Cũng như các môn học và ngành nghề khác, cần có phương pháp và phương tiện. Kinh Phật là phương pháp, sách vở, điện thoại, chuông, mõ, tượng Phật là phương tiện. Phương tiện có thể thiếu, nhưng phương pháp thì không thể thiếu.
Hình ảnh sách kinh Phật
Có phương pháp tu học rồi, cần tìm phương tiện phù hợp và tự mình ra sức tu tập. Giống như đã có địa chỉ, muốn đến nơi thì phải tự mình tìm phương tiện di chuyển. Có nói pháp, nghe pháp, hiểu pháp, hành pháp, nhưng phương pháp cũng có muôn ngàn lối, 84.000 pháp môn hay sáu bộ kinh điển trong Phật giáo Đại thừa đều nhằm giáo hóa chúng sanh đoạn ác tu thiện, lìa khổ được vui.
Tu sửa hành vi là để tự lập số mệnh, thành tựu chính mình, giúp gia đạo an hòa, xã hội an vui. Mỗi người cần tìm phương pháp riêng cho mình, nghe pháp thoại, đọc kinh, niệm Phật, ngồi thiền… Có người niệm Phật, có người nghe giảng kinh, tùy căn cơ, điều kiện khác nhau. Có người học Hiển giáo, có người học Mật giáo, vạn pháp môn Phật thuyết đều dành cho từng căn tánh và sở thích của chúng sanh.
Kinh điển là lý thuyết, hoàn cảnh của mỗi người là sự lý. Cần phải viên dung lý sự. Ví dụ, kinh dạy đừng sát sanh, nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với người làm nghề bán thịt hay mở nhà hàng. Không thể bắt họ ngưng ngay công việc nếu việc đó ảnh hưởng đến nhiều người khác. Theo lý thì đúng, nhưng theo sự thì chưa. Bản thân người ấy muốn giảm sát sanh, có thể cố gắng bàn giao bớt công việc, sau đó tìm công việc mới không sát sanh. Đó là lý sự viên dung.
Học Phật là học hạnh Phật. Kinh điển chỉ dạy phương pháp tu ngộ. Áp dụng lời dạy trong kinh phù hợp với hoàn cảnh và căn tánh của mình là lý sự viên dung. Tư duy của chúng ta trong vài mươi năm không thể nào bằng trí tuệ từ ngàn xưa trong kinh điển.