Mùa Vu Lan, được nhiều người dân Việt Nam biết đến là mùa báo hiếu, còn mang một ý nghĩa đặc biệt trong Phật giáo, gọi là mùa Tự Tứ. Vào ngày rằm tháng 7, lễ Tự Tứ được cử hành. “Tự” nghĩa là tự mình, “tứ” nghĩa là bày tỏ, nói lên. Chính bản thân mỗi người sẽ đứng trước đại chúng và chư tăng để cầu thỉnh tất cả chư tăng xét thấy lỗi của mình.
Mỗi người tự xét xem mình đã có những sai sót, lỗi lầm nào, xin đại chúng chỉ dạy để nhận lỗi, ăn năn sám hối. Ngày lễ Tự Tứ của chư tăng còn được gọi là ngày Phật Hoan Hỷ Nhật hay Vu Lan Bồn, dịch nghĩa là giải đảo huyền, tức là cởi bỏ tội khổ bị treo ngược.
Thời xưa, vào mùa hè tại Ấn Độ, mưa nhiều gây khó khăn cho việc đi lại. Đức Phật dạy chư tăng đến mùa hè phải quy tụ về một nơi để thúc liễm tu hành trong ba tháng. Đến ngày rằm tháng 7, chư tăng nhắc nhở lẫn nhau về những thiếu sót trong ba nghiệp (thân, khẩu, ý). Ba tháng an cư, tính từ rằm tháng tư đến rằm tháng 7, được gọi là mùa an cư kiết hạ, là mùa tu tập, xin đại chúng chỉ lỗi để sửa, mong tiến bộ trên đường đạo.
Tinh thần giác ngộ thể hiện ở việc biết nhận lỗi, sám hối và tu sửa. Mùa Vu Lan là dịp để tự mình xin đại chúng chỉ dạy những lỗi lầm đã phạm phải, tự nhận lỗi và sửa lỗi. Có những lỗi lầm bản thân không nhận ra, phải nhờ người khác chỉ dạy, nhắc nhở. Ví dụ, một người đi nhầm đường, họ không biết mình sai cho đến khi người khác bảo đường đó không có lối ra.
Sáu căn của chúng ta vốn mê lầm bởi sáu trần, theo đuổi thị phi, nhân ngã, rồi tạo oán. Để nâng cao tinh thần giác ngộ, cần tu học, cần thầy lành bạn tốt chỉ ra lỗi lầm. Trong Tam Tự Kinh có câu: “Tánh tương cận, tập tương viễn”, khí bất thiện lâu nay của ta đã tích lũy vì gần bạn dữ, xa bạn hiền. Ngày ngày gần yêu ma sẽ thành yêu ma, ngày ngày gần Bồ Tát sẽ thành Bồ Tát. Chính là ý nghĩa ấy, ngày ngày gần người thiện là thúc đẩy tinh thần giác ngộ, lìa khổ được vui.
Tự tu để cứu khổ. Đức Phật dạy tám sự thật về khổ. Con người trên thế gian này phải chịu tám loại khổ: sinh, già, bệnh, chết, cầu bất như ý, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thịnh. Không ai thoát khỏi tám cái khổ này. Người giác ngộ không lìa được khổ, nhưng sẽ phục được khổ.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa có câu: “Quán pháp như hóa”, hóa hay huyễn hóa là mọi thứ không thật, có là giả tướng. Giả dụ ta lấy điện thoại thông minh ngày nay làm ví dụ, điện thoại và mạng xã hội không có tội. Vì sao con người ngày nay say mê chúng, cười khóc, điên đảo theo chúng, thị phi, nhân ngã? Chính vì những thứ ấy.
Tu sửa hành vi, chỉnh đốn tâm ý, lìa khổ an vui là con đường duy nhất. Chúng sinh chịu khổ nạn vì nhân quả trong đời quá khứ, chưa thoát được khổ, chưa phục được khổ vì tâm còn mờ, chưa đoạn nghi sanh tính.
Để tu tập, có nhiều cách: nghe pháp, đọc kinh, niệm chú, ngồi thiền, nghe thuyết giảng kinh. Những pháp môn ấy cần điều kiện. Duy chỉ có chuyên tâm niệm Phật A Di Đà là pháp môn không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì khi ấy đã buông bỏ nỗi khổ, không để nó trong tâm, đặt danh hiệu A Di Đà Phật trong tâm ngày đêm không gián đoạn. Trước là cảm thấy không còn khổ nữa, sau là đến ngày rời thân này được A Di Đà Phật tiếp dẫn vãng sanh.
Người xưa có câu: “Ông trời không xuống tay với người biết sám hối”, cha mẹ luôn mở rộng vòng tay đón con cái quay trở về. Con người chịu khổ nạn chỉ vì không chịu quỳ xuống sám hối, không chịu nhận lỗi và sửa lỗi. Người Thiên Chúa giáo có xưng tội, Phật giáo có sám hối, cả hai cùng chung ý nghĩa cao cả của người biết nhận lỗi và muốn sửa lỗi, mong không phạm lỗi lầm cũ để trở thành người thiện.
Hành động sám hối vô cùng đặc biệt trên bước đường tu sửa. Còn một ý nghĩa thâm mật không nhiều người biết, chính là xin những oán gia trái chủ buông tha mình. Con xin thành tâm quỳ xuống sám hối, xin chư Phật Bồ Tát từ bi cứu khổ. Con xin tất cả những oán gia từ vô lượng kiếp, con đã vô tình hay cố ý tổn hại chư vị, xin chư vị buông xả lỗi lầm cũ, xin chư vị tìm đường về thế giới quang minh, không còn theo con trong vòng luân hồi nữa. Nay con phát nguyện sống thiện, nghĩ thiện, nói thiện, xin hồi hướng việc thiện đến chư vị.
Sám hối giải oán. Đời này gặp khổ nạn cũng vì đã tạo oán, oán sẽ chờ ngày hồi báo. Xưa nay, chư vị có thù hằn gì với ai chưa? Đã có ai mãi không buông tha chư vị hay chưa? Chắc rằng trong quá khứ đã có những sự việc ấy.
Sự diệt vong của tộc Diệp Hách Na Lạp là một ví dụ. Tộc này từng thề rằng tộc ta còn lại một người, cụ nữ cũng sẽ báo thù nhà Thanh. Tận 200 năm sau, sau thời gian dài, triều Thanh đã lơ là chuyện không cho phép người tộc Diệp Hách Na Lạp vào cung. Từ Hy Thái Hậu là người Diệp Hách Na Lạp đã làm triều đình nhà Thanh sụp đổ vì mối thù xưa của tổ tiên. Vì thế, kinh Phật dạy nên giải oán, không nên kết oán. Đã kết oán nên thành tâm sám hối, xưng tội, xin tha thứ.
Sám hối, biết nhận lỗi là hành động cao cả của người đoạn ác tu thiện. Khi ấy, tâm thân thanh tịnh, không còn thấy lỗi người. Không thấy lỗi người là ý không tạo nghiệp ác, miệng không tạo khẩu nghiệp, thân không tạo thân nghiệp. Nhiếp ba nghiệp, sáu căn thanh tịnh. Sám hối để chế tâm, để hồi tâm, để oán gia buông tha trên đường đời. Vì nếu họ chưa buông tha, ta còn gặp vô số chướng duyên.
Mùa Vu Lan là mùa lễ Tự Tứ, tự mình xin đại chúng chỉ ra lỗi lầm để sám hối. Tâm sám hối, sám hối để giải oán, sám hối để tâm thân không còn phạm lỗi lầm cũ. Sám hối là tự trong tâm thân biết lỗi, không tái phạm, không phải đọc kinh sám hối là hết tội. Kinh sám hối, lời sám hối có nhiều loại: Đại Bị Sám, Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Tịnh Độ Sám (hay gọi là sám pháp Di Đà Tịnh Độ). Tổ sư, đại đức chỉ dạy: tùy tâm nhập quán, từ tâm chí thành khế nhập hoàn cảnh mà sám hối. Không phải học thuộc lòng hay đọc y theo lời kinh sám hối mà hết tội. Ví như con cái chúng ta, chúng phạm lỗi, chúng thành tâm xin lỗi và nhận lỗi sẽ khác với nhận lỗi chau mày. Vì thế, người sám hối nên tự nhận thấy mình đã sai, muốn cải biến, lìa ác tu thiện, tùy tâm nhập quán. Được như thế, tội liền tiêu vì tâm thành nguyện, khi ấy sẽ ứng. Hay có câu: “Có cầu tất có ứng”.
Ngài Phật hoan hỷ ngày lễ Tự Tứ, hay còn gọi là Vu Lan Bồn, là cứu tội khổ bị treo ngược. Đức Phật dạy chúng sinh sống phải hoan hỷ, phải mở rộng tâm lượng. Nhưng cuộc sống nhân sinh làm gì có nhiều chuyện vui như thế. Chúng sinh đến thế gian này, chín phần khổ, một phần vui, làm sao sống hoan hỷ được. Vì thế, Đức Phật chỉ bày 84.000 pháp môn cho ta để ta khai ngộ, chuyển tâm tham thành tâm bố thí, chuyển tâm sân thành tâm nhẫn, chuyển tâm si mê thành tâm trí tuệ. Người đủ trí sẽ giảm hay không còn tham, sân, si, dù ở cõi Ta Bà cũng như cõi tịnh. Khi không thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình, sám hối sửa đổi, tâm thân không chứa lỗi người là tâm hoan hỷ. Mùa Vu Lan này là lễ Tự Tứ của chư tăng, cũng gọi là Phật Hoan Hỷ Nhật.