Cuộc sống vợ chồng, gặp được người tâm đầu ý hợp là điều may mắn. Sống bên cạnh người luôn nghịch ý mình là oán nghiệp. Oán đã kết thì nên giải, không nên tiếp tục tạo thêm. Nếu bạn đang có một cuộc hôn nhân viên mãn, tâm đầu ý hợp trong nhiều mặt của cuộc sống, nhất là lòng bao dung và niềm tin tín ngưỡng, xin chúc mừng bạn! Ít nhất bạn đã tu ba kiếp mới có được người như thế, hãy trân trọng và vun đắp.
Ngược lại, nếu đã trải qua hay đang có một cuộc hôn nhân đau khổ, có thể đời trước bạn đã kết oán, đời này cộng nghiệp để trả. Thậm chí, những người gây đau khổ cho nhau, chính họ cũng không thể giải thích lý do. Hãy tự hỏi, vì sao có những người được hưởng phước báu, còn bản thân ta lại gặp nhiều trắc trở, nhất là chuyện tình cảm hay tiền bạc. Họa phước tình cảm có thể thấy trong sinh thần bát tự. Vậy họa phước ấy từ đâu mà sinh ra? Phải chăng do nghiệp quả từ đời quá khứ?
Người tỉnh táo sẽ biết người đang mê trong mộng, người có thiên nhãn thông sẽ biết được đời quá khứ. Ví như người trồng trọt biết hạt giống loại tốt, loại kém như thế nào, mệnh của ta cũng như thế. Khi than trời trách người, ta không thấy được nghiệp quả đời quá khứ. Không tự dưng ta có ngày tháng năm sinh này, không tự dưng ta cộng nghiệp cùng những người xung khắc với ta.
Dưới đây là ba câu chuyện về vợ chồng, về duyên nợ, ân oán:
Câu chuyện thứ nhất về một gia đình hạnh phúc, chị Hạnh tuổi Sửu ở Bình Chánh. Anh chị cùng niềm tin tín ngưỡng và lòng bao dung với mọi người.
Câu chuyện thứ hai về một người đàn ông tên B rất tin Phật pháp, muốn làm lành lánh dữ, nhưng vợ không đồng cảm, thậm chí còn phản đối.
Câu chuyện thứ ba về một bạn trẻ tên Trung, tuổi Tý, theo đạo Kito, nhưng vợ lại theo Phật giáo. Họ sống ở vùng Bến Tre. Cuộc sống của họ vẫn rất hạnh phúc.
Thời gian trước, chị Hạnh cần tham vấn về việc sửa nhà, mời thầy phong thủy đến thăm và trò chuyện. Anh chị là người miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều năm trước. Vợ chồng đồng thuận trong nhiều vấn đề, từ công việc đến nuôi dạy con, và nhất là vấn đề tín ngưỡng. Nhà anh chị có gian phòng thờ, tuy nhỏ nhưng rất trang nghiêm và ấm cúng. Mỗi ngày hai thời, chị đều trì kinh.
Nhà ở trong một con hẻm ở Bình Chánh, sân nhà tầm 4 mét, đối diện là rào trắng có tôn cũ đã rỉ sét. Thầy phong thủy hỏi thăm anh chị có qua lại với hàng xóm ấy hay không, mục đích là cần nương vào họ, có thể tặng ít trái cây cho họ, xin họ cho sơn lại trước cửa nhà. Bởi vì mỗi ngày ta ra cửa, bên ngoài ta thấy những gì mang tính khó chịu, đó là phong thủy kém. Những gì dễ chịu, tươi vui là phong thủy tốt. Chị đáp: “Anh hàng xóm ấy rất khó chịu với cả hàng xóm, riêng nhà anh chị luôn ôn hòa với nhau, vì vậy việc này không có vấn đề. Muốn nhờ gì chỉ có thể qua mở lời”.
Vài tuần trước, một vị xem kênh nhắn tin hỏi: “Hàng xóm đối diện luôn xung đột với nhau, nay họ xỉa thẳng một loạt máy hút bụi, máy xông qua thẳng ngôi nhà của mình. Hỏi cách hóa giải?” Những loại máy ấy xông thẳng qua nhà là sát khí. Thú thật, nếu ta đã gây oán hoặc không thể đoạn hết oán với hàng xóm, với cả môi trường sống, không có thầy phong thủy nào hay pháp khí gì có thể hóa giải được.
Với gia đình chị Hạnh, người có niềm tin về tín ngưỡng, sống chan hòa với những người xung quanh, có lòng bao dung với người cần giúp đỡ, đó chính là linh đơn mang lại hạnh phúc cho gia đạo, cho tâm thân của mình. Ứng với câu: “Người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”. Vợ chồng là nghiệp duyên, báo ân hay báo oán, đòi nợ hay trả nợ. Vì không duyên không nợ, không thể kết giao.
Anh B kết duyên qua đợt thiện nguyện tại bệnh viện. Sau đó, anh mở lời cần tham vấn. Bản thân anh trước kia đã từng thất bại, đau khổ, tìm đến Phật pháp nương tựa. Nay anh ra sức nghĩ thiện, hành thiện, phát tâm thiện nguyện. Hiện nay, anh rất muốn thay đổi nên ra sức hành thiện. Có một đợt thiện nguyện, anh muốn đi cùng, muốn dẫn đứa con đi cùng, nhưng người vợ bảo rằng đừng làm việc thiện ấy, hãy làm việc thiện ở nhà, dẫn con đi lớp ngoại khóa. Mỗi người mỗi quan điểm về thiện nguyện. Anh đã cố giải thích nhưng vợ không thuận lòng. Nhà anh có thờ gia tiên, thờ nhiều vị Phật, thần thánh. Bản thân anh mỗi ngày trì kinh Địa Tạng, niệm Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Chú Đại Bi và cả sám hối.
Anh Trung tuy còn trẻ nhưng rất siêng năng làm ăn, có tài sản đất đai. Anh từ nhỏ theo Chúa, nhưng đến nơi nào cũng kính lễ. Anh kể: “Em đến đây lần đầu, em thưa, xin Thổ thần Thổ địa, xin chư Thiên, con là người ngoại đạo, không biết cúng kiếng gì, con xin kính lễ. Nay mai con sẽ đến ngôi chùa, con xin cúng dường Tam Bảo, xin chư vị gia hộ”. Ôi, người biết kính như thế, mảnh đất nào cũng sẽ là mảnh đất phước! Anh kể rằng trước kia khi vợ mang thai, vợ mở kinh Địa Tạng, mở chú Đại Bi rồi niệm Phật, mong giúp cho đứa trẻ được kết duyên lành với pháp Phật. Anh không phản đối và vui vẻ nói: “Đạo ai người nấy giữ”.
Anh Trung tuy còn trẻ nhưng là người rất tiềm năng. Trong tương lai, anh sẽ thành công trong công việc và thành công trong gia đình. Anh tuy không theo Phật nhưng sống với giáo lý của nhà Phật. Một là phá chấp, hai là biết kính người dương, kính người âm. Dù ở mảnh đất nào cũng là mảnh đất phước. Dù sống trong hoàn cảnh nào cũng sẽ được an ổn. Anh có được người vợ cùng tâm ý hợp, dù khác tín ngưỡng.
Duyên nợ vợ chồng là ân hay oán? Phước tình cảm có thể thấy trong sinh thần bát tự. Có những cách cục bát tự vô cùng kém duyên trong tình cảm. Ví dụ, người nữ sinh mệnh Ngọ có chữ Canh hay người có “Xa Hồng Diễm”. Để hóa giải kém duyên tình cảm, không gì bằng tu pháp từ bi. Chư vị có tín ngưỡng, hành trì giáo pháp trong kinh là phước duyên. Khi con cái trưởng thành, hãy khuyên chúng tìm đối tượng hôn nhân cùng tín ngưỡng, cùng lòng bao dung, nhân ái, đó chính là linh đơn hạnh phúc cho gia đình.
Tuy nhiên, nghiệp quả mỗi người không như nhau. Oán đời trước đã gây, chắc chắn đời này sẽ kết duyên để trả nợ. Người may mắn thì kết hôn lần đầu đau khổ, ly hôn trong đau khổ, nhưng lần hai có được một gia đạo viên mãn. Người tạo nghiệp không quá sâu nặng, gặp và trả cho một người, tự mình tỉnh ngộ, quyết tâm tu tập để lần hai có được một tình cảm tốt đẹp. Người may mắn hơn thế là người đã từng đau khổ và chia ly, rồi sau đó thoát ly khỏi tình cảm của thế gian, dù độc thân vẫn an vui tự tại.
Ái dục, sắc dục là hai thứ khiến con người mãi phiền não, khổ đau, không thể thoát ra được. Ngược lại, người không đủ phước duyên, không quyết tâm tu sửa, không chỉ một lần thất bại trong tình cảm mà ngay cả lần hai, lần ba cũng rơi vào đau khổ vì tình cảm. Mỗi lần dính vào tình cảm thế gian là mỗi lần đau khổ. Khi ấy, nếu đổ lỗi cho số phận: “Số tôi phải như vậy, nghiệp tôi phải như vậy”, thì bạn không còn chút hy vọng nào để thay đổi vận mệnh, chỉ còn than trời trách người. Người vốn kém phước trong tình cảm, trước là tu pháp bố thí, lòng từ bi, sau là không mong cầu tình cảm của đối phương, cuối là tu lục độ hạnh của Bồ Tát. Nếu ai đó vẫn còn đau khổ, phiền não vì tình cảm, tức là đang còn trong mê lầm. Hãy tự hỏi: Ngày nào cũng có mặt trời, vì sao có ngày sáng, ngày tối? Hãy tự hỏi: Gương vốn dĩ trong, vì sao qua thời gian lại bị mờ tối?