Không trộm đồ là trọng công bằng. Sự sống luôn công bằng khi ta là người tốt và bất công khi ta là người xấu. Bản thân ta không muốn người khác lấy trộm đồ của ta thì người khác cũng không muốn ta lấy đồ của họ. Lấy đồ khi chưa được sự đồng ý của người khác cũng là tội trộm cắp. Không trộm đồ lại còn biết bố thí giúp gia đình và bạn bè là người thiện từ bé. Tránh xa hành động trộm cướp, đi học và khi trưởng thành sẽ thành người thiện, không bị mất của cải.
Không giết hại là quý sinh mạng. Ai cũng quý trọng sinh mạng của mình. Chính bản thân ta không muốn bị người khác có hành động tổn thương thân thể thì ta cũng không nên dùng hành động bạo lực đến người khác. Những con vật cũng thế, chúng cũng yêu quý sinh mạng của chúng vì chúng có linh hồn. Ta không nên giết hại chúng dù từ hành động cho đến trong suy nghĩ. Không giết hại lại biết giúp người giúp vật khi hoạn nạn, tính mạng mình an ủi. Từ bé tránh giết hại muôn loài, đi học và khi trưởng thành sẽ là người nhân ái.
Không lãng phí là quý tài nguyên. Những vật dụng hàng ngày từ đồ vật, cặp sách, điện, nước, cơm canh, tất cả từ công sức của cha mẹ và gia đình làm vất vả có được. Nếu ta hoang phí, họ sẽ càng vất vả. Ngoài xã hội hay nhà trường cũng như thế, tất cả vật sử dụng của chúng ta đều từ công sức của ai đó. Nếu lãng phí sẽ gây hao tổn tài nguyên. Tài nguyên trên trái đất rất có hạn, sức khỏe cha mẹ làm việc kiếm tiền cũng có hạn. Vì thế, hãy biết tiết kiệm là cách trân quý cha mẹ và hành tinh này. Không lãng phí lại biết tiết kiệm, quý công sức cha mẹ sẽ có đủ thức ăn thức uống. Từ bé không lãng phí tài nguyên, khi trưởng thành sẽ là người sung túc.
Không nói dối, quý chân thật. Nói lời chân thành, đúng sự thật giúp người tin tưởng vì ai cũng muốn người khác chân thật với mình, không muốn mình bị lừa dối. Lời nói dối có thể tạm chấp nhận là lời nói dối không hại người mà mang lòng yêu thương. Ví dụ, mình đang đói mà thấy ba mẹ, anh chị thích món ăn ấy, mình có thể nói: “Con no rồi!”. Nói như thế có thể chấp nhận được vì hành động cao cả này có lợi cho người khác. Trong cuộc sống, đôi lúc cha mẹ có nói dối mình cũng vì thương con, vì đó là lời nói dối vì tình yêu thương, không gây hại ai hết. Không nói dối lại biết nói chân thật, không bị người dối gạt. Từ bé không nói dối hại người, đi học và khi trưởng thành sẽ là người ngay thẳng, gặp người chân thành.
Không thô tục là kính trọng mình. Người nói lời thô tục là tự làm miệng mình không thơm tho. Từ miệng của mình làm dơ bẩn tai và tâm của người khác. Khi ăn lựa thức ăn ngon, khi nói nên lựa lời nói hòa nhã để nói. Nói và bình luận trên mạng xã hội cũng như thế, không nên nói lời thô tục khiếm nhã, tự làm mình kém đi. Không nói lời thô tục lại biết nói lời hòa nhã là kính mình kính người. Từ bé không nói thô tục, đi học và khi trưởng thành sẽ là người nói hòa nhã, dễ mến.
Không nói chia rẽ là quý đoàn kết. Mình không muốn bị chia rẽ với người thân, người khác cũng như thế. Không ai muốn bị hiểu nhầm và chia rẽ. Giả dụ mình nói với bạn A là bạn B ghét bạn, rồi qua nói với bạn B là bạn A không ưa bạn. Lời nói như thế là lời nói hai chiều gây mâu thuẫn. Mình chọn lựa lời nói gắn kết nhất khi có thể vì sự đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Không nói chia rẽ lại biết nói lời đoàn kết, không bị người chia rẽ. Từ bé tránh nói chia rẽ, đi học và khi trưởng thành được nhiều người yêu thương giúp đỡ.
Không nói chao chuốt được kính trọng. Không nói hại người có lợi mình, nói lời bóng bẩy không trung thực để lường người hoặc nói cho họ mê thích, dẫn họ phạm lỗi. Giả dụ nói với bạn: “Làm bài tập giúp tớ, tớ sẽ nói tốt với bạn với ba mẹ bạn, bạn sẽ được thưởng”. Đồng thời cũng không nên mắng chửi. Ông bà có câu: “Mắng nhiều miệng chẳng thơm tho gì, lòng thêm oán giận, không còn bình an”. Không nói chao chuốt hại người lại biết nói chân thành khích lệ, tán dương được người tin tưởng. Từ bé không nói chao chuốt bóng bẫy, đi học và khi trưởng thành được mọi người tin tưởng và kính trọng.
Không nóng giận là quý an vui. Ai cũng có lúc nóng giận nhưng từ nóng giận nhỏ mất kiểm soát sẽ thành nóng giận lớn. Nóng giận mất kiểm soát là họa. Nóng giận mất khôn, người khôn không nóng giận. Khi ta nóng giận mất kiểm soát, hành vi, lời nói và hành động tiếp theo có thể gây hậu quả lâu dài không thể xóa bỏ. Giả dụ chỉ vì hiểu nhầm cha mẹ, ta có thể nóng giận, lời nói gây tổn thương họ. Người tổn thương là chính cha mẹ của mình. Với cha mẹ có thể vì tình yêu thương mà không để bụng nhưng bạn bè, người ngoài thì khác, họ lưu mãi lời nói thô ác ấy rất lâu sau, thậm chí không tha thứ cho ta chỉ vì một phút ta nóng giận. Mặt khác, nếu ai đó đang giận nói lời khó nghe với ta, ta đủ bình tĩnh sẽ nhận ra họ đang là người đáng thương, đang là người đau khổ, không có một chút an vui nào cả, từ gương mặt, ánh mắt đầy lòng sân giận. Hãy tự nhắc mình không được nóng giận mất kiểm soát. Khi cơn giận chuẩn bị dâng lên, chỉ cần nhắm mắt hít thở thật sâu ba hơi, cơn giận sẽ tan biến 70%. Nếu luyện tập hít thở sâu thường xuyên, khi ấy cơn giận sẽ tan biến hoàn toàn. Không nóng giận mất kiểm soát lại biết bình tĩnh và sáng suốt, lại cảm thông, không gây tội oán. Từ bé biết kiềm chế cơn giận, đi học và khi trưởng thành sẽ là người an vui.
Không tham lam là được giáo dưỡng. Mình muốn thứ không phải của mình là tham, mình muốn có nhiều hơn nhu cầu của mình là tham. Ví dụ, mỗi bạn đi học chỉ cần một vài cây bút. Lớn hơn thì có một chiếc điện thoại. Thấy bạn khoe bạn có nhiều viết đẹp, bạn có nhiều điện thoại đời mới, thế là ta cũng muốn có. Khi tâm trí ta muốn có thứ không phải của ta, thứ ngoài khả năng của cha mẹ ta và không kiềm chế được con ma tham này, ta sẽ nghĩ cách xấu xa để có được, sẽ gây hại đến gia đình và người khác. Xa hơn nữa là tham những cuộc vui của người lớn ngoài độ tuổi của trẻ nhỏ còn đi học. Đó là con đường dẫn đến tệ nạn cho xã hội, gây đau khổ cho gia đình, gây tổn hại cho người bị hại và chính quyền phải cử người đi xử lý. Vì thế, tập không tham thứ không phải của mình, không tham thứ ngoài khả năng của cha mẹ, không tham thứ ngoài nhu cầu của bản thân mình sẽ giúp gia đình an vui, giúp cha mẹ an ổn đi làm ăn kiếm tiền và có thêm thời giờ dạy bảo chúng ta. Không tham lam lại biết cho đi, biết bố thí có được của cải và không bị mất vật mình yêu quý. Từ bé không tham lam khi đi học và trưởng thành được mọi người tin tưởng và sau này có cuộc sống sung túc.
Không ngu si là người có trí tuệ. Ngu si trong kinh sách diễn giải là không thấy lẽ thật, không nhận biết sự thật. Vì ngu si mê mờ không có trí tuệ hay trí khôn chưa trưởng thành làm ta tham. Chính từ cái tham mà ra. Tham không được, ta muốn lấy của người khác. Tham lam không có được hoặc mất đi thứ ta yêu thích dẫn đến ta nóng giận mất khôn. Trong lúc nóng giận ta nói dối, nói lời thô ác, nói lời hai lưỡi, nói lời hại người lợi mình. Cho dù tham lam để có được thứ ta muốn, ta cũng dễ dàng mất đi vì không phải chính từ công sức chính đáng nên ta không trân quý. Và khi đó ta lại phạm tội, phạm đến pháp luật. Tham lam để có được thứ không phải của mình là phạm pháp, là phạm tội. Vì tham lam dẫn đến hiếu thắng, hơn thua, giành giật và phạm tội. Tham thứ mình không có đã gây tội, tham thứ mình vừa mất càng đáng trách. Giả dụ một bạn trong lớp mượn đồ vật tốt của mình và làm mất. Nếu vì lòng tham mình sẽ tiếc món đó, mình sẽ mất luôn thời gian còn lại, mất luôn sự an vui trong tâm hồn mình, mang tâm trạng ấy về nhà, mất luôn sự an hòa trong gia đình cũng chỉ vì tâm ta tham. Tập không ngu si lại biết học tập, tư duy, nghe cha mẹ dạy bảo sẽ không lỗi lầm nghiêm trọng. Để tránh ngu si không thấy lẽ thật, ta tránh cái tâm tham của mình bằng tư duy: Vật của mình sẽ là của mình, biết đủ sẽ an vui. Nhẫn nhục, chân thành, bao dung là phẩm chất người có trí tuệ.