Tịnh độ là cõi nước hoàn toàn thanh tịnh, an vui, không có phiền não khổ đau. Cõi này được hình thành dựa trên hạnh nguyện độ tha của chư Phật và chư Bồ Tát. Bằng bốn năng lực Từ, Bi, Hỷ, Xả cùng nhân duyên thù thắng và quả vị viên mãn, chư Phật đã hóa hiện ra vô số cảnh giới Tịnh Độ để tiếp dẫn và trợ duyên cho chúng sinh vãng sanh về đó tu tập cho đến ngày thành Phật.
Tịnh Độ đối lập với Uế Độ. Do có Uế Độ ô nhiễm nên mới có Tịnh Độ thanh tịnh. Cũng như có dơ bẩn mới có sạch sẽ, có đen tối mới có trong sáng. Mục đích là để chúng sinh thấy rõ sự khổ ở cõi Uế Độ ô nhiễm và sự an lạc nơi Tịnh Độ thanh tịnh, từ đó khởi lên ý niệm buông bỏ tham, sân, si, hướng đến sự giải thoát nội tâm, đạt được an lạc và hiểu biết chân thật.
Uế Độ là cõi nước do cộng nghiệp của chúng sinh tạo nên. Phần lớn chúng sinh phước đức ít, nghiệp chướng dày nên chiêu cảm cảnh giới khổ đau, ví dụ như cõi Ta Bà của chúng ta. Ngược lại, Tịnh Độ là cõi nước của chư Phật và chư Bồ Tát hóa hiện, trang nghiêm, thanh tịnh, không nhiễm ô, được dùng làm đạo tràng để hóa độ chúng sinh, ví dụ như cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.
Cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà
Trong mười phương thế giới có vô số cõi Tịnh Độ, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà chư Phật hóa hiện ra các cảnh giới khác nhau. Kinh điển Phật giáo có đề cập đến nhiều cõi Tịnh Độ, như cõi Tịnh Độ Diệu Hỷ của Phật Bất Động, cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Phật A Di Đà được nói trong Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và Phật Thuyết A Di Đà Kinh.
Cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà được thiết lập dựa trên 48 lời đại nguyện, chứa chan lòng đại từ bi cùng với năng lực trí tuệ vi diệu, tiếp dẫn chúng sinh về Cực Lạc Tây Phương tu tập đến ngày thành Phật. Đức Phật Thích Ca đặc biệt tán thán cõi này vì chúng sinh nơi Ta Bà phần lớn tạo nhiều ác nghiệp, dễ đọa vào ba đường dữ. Chỉ có cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà mới đáp ứng được nhu cầu về thân và tâm của chúng sinh, nơi đây tất cả đều được làm bằng bảy báu, tiếng chim hót, tiếng suối reo đều phát ra pháp âm vi diệu. Sống trong cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh như thế, chúng sinh không còn tham, sân, si.
Bảy báu trang nghiêm cõi Tịnh Độ
Đức Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát thượng thủ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí có nhân duyên đặc biệt với chúng sinh cõi Ta Bà, khiến chúng sinh quy hướng, kính tin, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. 48 lời nguyện của Phật A Di Đà xuất phát từ lòng từ bi bao la và trí tuệ quảng đại, có thể tiếp dẫn tất cả chúng sinh vãng sanh Tịnh Độ. Ví như lời nguyện thứ 18: “Khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương chí tâm tin tưởng, muốn sinh về nước tôi, niệm đến mười niệm. Nếu không được sinh, tôi thề không thành Phật.”
Chánh báo và Y báo của cõi Tịnh Độ được hình thành từ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Chánh báo là quả báo nơi tự thân, ví như thân tướng trang nghiêm của Phật. Y báo là quả báo hiện ra bên ngoài, ví như cảnh vật và hoàn cảnh nơi Tịnh Độ. Nhờ nhân duyên thù thắng như vậy, chúng sinh nào nhất tâm cầu nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc đều đạt được Y báo và Chánh báo trang nghiêm như Phật A Di Đà.
Chúng sinh vãng sanh Tịnh Độ
Kinh Phật thuyết A Di Đà có ghi: “Xá Lợi Phất, trong cõi Cực Lạc, chúng sinh vãng sinh đều là bất thối chuyển, trong đó rất nhiều vị đã ở bậc nhất sinh bổ xứ. Số đó rất đông, không thể tính đếm, chỉ có thể dùng số vô lượng”. Chúng sinh nào nghe được điều này nên phát nguyện cầu sanh về cõi đó, vì được cùng các bậc Thượng thiện nhân hội họp một chỗ.
Phật thuyết A Di Đà kinh lại chép: “Xá Lợi Phất, cõi đó vì sao gọi là Cực Lạc? Vì chúng sinh trong cõi đó không có khổ, chỉ hưởng những niềm vui, nên gọi là Cực Lạc”. Cõi Cực Lạc có bảy tầng bao lơn, bảy tầng màn lưới, bảy tầng hàng cây, đều bằng bảy báu bao bọc.
Cõi Tịnh Độ bằng phẳng, thanh tịnh, không bụi dơ, sông ngòi, hang hố, núi non không có. Đất bằng bảy báu tạo thành, dưới đất có đế bằng vàng kim cương chống đỡ. Khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Trên cây treo các chuỗi ngọc, lưới báu, tất cả đều trang nghiêm và tùy ý ứng hiện. Cây báu phát ra âm thanh vi diệu, chúng sinh nghe tiếng nhạc ấy liền chứng nhập giáo pháp, tiến đến quả vị Phật.
Cảnh sắc Tịnh Độ
Mọi vật nơi Tịnh Độ đều trang nghiêm, thanh tịnh, sáng suốt, xinh đẹp. Không có ba đường dữ, không khổ nạn. Cung điện, giảng đường đều tự nhiên thành tựu, được xây bằng bảy báu. Quốc độ thanh tịnh, trong suốt như pha lê, có thể thấy được vô lượng thế giới Phật.
Hồ tắm thơm tho, nước trong các hồ thanh tịnh, có tám công đức. Đáy hồ bằng vàng bạc, lưu ly, tùy theo ý nguyện mà nước hồ ấm lạnh. Tắm xong, tinh thần sảng khoái, tâm ý thanh tịnh. Hương thơm ngào ngạt từ mặt đất lên hư không, hương thơm tỏa khắp mười phương.
Thức ăn gồm hương hoa tinh khiết, chén bát bảy báu tự nhiên hiện ra, đầy đủ thức ăn. Y phục tùy niệm mà hiện, không cần may cắt. Chim chóc là hóa thân của Phật A Di Đà, ngày đêm hót tiếng hòa nhã, giảng pháp vi diệu.
Phẩm vị tu chứng ở cõi Tịnh Độ khác nhau là do công phu tu tập. Tuy nhiên, một khi đã vãng sanh về ao thất bảo, hành giả sẽ không còn sa vào ác đạo, an vui cho đến ngày thành Phật. Để vãng sinh Tịnh Độ, cần tu ba phước: Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng; Thọ trì tam quy, giữ giới; Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển.
Tóm gọn lại, chỉ gồm ba điều: Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là tin tưởng tuyệt đối vào lời Phật dạy, tin có cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Nguyện là phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, dựa trên tâm Bồ Đề, vì lợi ích chúng sinh. Hạnh là siêng năng hành trì, niệm Phật, quán tưởng cõi Phật, làm các việc thiện lành hồi hướng về Cực Lạc.