Thế giới luôn chuyển động, biến đổi không ngừng. Tin tức tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội. Thế giới biến động, liệu có phải do chuyển vận hay do tạo tác của chính chúng ta từ trong quá khứ? Vận mệnh mỗi người, mỗi cá thể bé nhỏ không thể xoay chuyển cả một vùng hay một quốc gia. Thế vận năm cũ qua đi, năm mới lại đến, xuân hạ thu đông xoay vần, ngày rồi lại qua ngày. Bất tri bất giác, nhìn lại một đời đã luống qua. Một ngày nào đó, ta sẽ rời quán trọ này, rời thân trọ này. Vậy hành trang mang theo là gì khi thế giới chuyển vận, khi ta rời quán trọ, khi ta rời thân trọ này? Và cái gì ta có thể mang theo được ngoài nghiệp?
Hành trang mang theo khi rời cõi tạm là gì?
Nghiệp lực là những hạt giống ta có thể mang theo vào giấc ngủ, mang theo khi tái sinh. Thế giới chuyển vận, ta chuyển nghiệp, chuyển cái tâm phiền não của mình thành tâm thanh tịnh, chuyển cái tâm sân giận thành tâm từ bi, chuyển cái tâm mê thành tâm giác. Ta chỉ có thể chuyển tâm ta, vì ta không thể chuyển cả thế giới. Ta nào có thể chuyển tâm một người thân thương, ngay cả chính cái tâm của ta, ta nào dễ chuyển được.
Tâm là gì? Vì sao tìm mãi chẳng thấy? Cớ sao lại nói tôi khổ lắm? Hình tướng của tâm ra sao? Có vị nào tìm được tâm mình và trả lời được? Tâm nó không có hình tướng nhưng nó rất vi tế. Nó kéo ta vào ba đường dữ, nó dẫn ta vào sáu nẻo. Tâm ta, nó thể hiện qua những việc ta làm, thể hiện qua những thứ ta muốn. Nhờ duyên sẽ khởi hiện, cần đối tượng bên ngoài lôi kéo, nó sẽ hiển lộ. Ví như mặt biển vốn phẳng lặng, nhờ gió ta thấy sóng. Gió là duyên, sóng là do mặt biển biến chuyển. Khi ta ngồi tĩnh lặng, cố gắng mãi không tìm thấy tâm vì ta lúc bấy giờ phần nào làm chủ được ta. Ta không tìm đối tượng bên ngoài nên tâm không hiển lộ.
Tâm như mặt biển, khi có gió mới nổi sóng
Nhận biết tâm ta không duyên theo ngoại cảnh, không còn chịu sự chi phối bởi sự vật bên ngoài, ta an vui tự tại. Khi an vui tự tại, ta ngộ ra sự vật do duyên sanh, ngộ ra thế giới luôn chuyển biến. Mỗi khi có chướng ngại là cơ hội để chúng ta nhìn lại, là cơ hội để ta dành thời gian chữa lành tâm thức, tìm cho tâm lìa vọng.
Tâm người muốn xem mặt mình đẹp xấu thế nào, muốn xem dung mạo của mình đã chỉnh chu chưa thì họ dùng gương để soi. Chỗ nào chưa vừa ý thì trang điểm lại, trang phục nào chưa phù hợp thì đổi cái khác. Ai cũng muốn mình có một diện mạo bên ngoài thật là đẹp. Vậy ta soi tâm ta bằng cách nào? Bằng lời trong kinh, bằng ngũ giới, bằng thập thiện. Muốn biết tâm mình bất thiện ra sao, chư vị đọc kinh Thập Thiện. Muốn biết mình có vọng tưởng, nghe giảng kinh và ngồi hành thiền. Kinh là gương soi tâm, soi xem tâm mình nhiễm hay tịnh.
Soi tâm bằng cách nào?
Ta không cần phải thay đổi thế giới, không cần phải thay đổi người ta yêu thương, chỉ cần ta thay đổi chính cái tâm của ta, vạn duyên sẽ dung hòa. Thế giới chuyển vận là tốt hay xấu? Giả dụ cử vận đương lệnh hành hỏa, cử tử hành hỏa, có phải sẽ tốt với những người thiếu hỏa, tốt cho những người ngành nghề thuộc hỏa?
Có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, hay nói “Thiện tức ác, ác tức thiện”. Những văn tự trong Bát Nhã Tâm Kinh nghe thật khó hiểu. Người đời nghe câu này hoàn toàn không thể chấp nhận được vì với họ ác là ác, thiện là thiện, làm sao lẫn lộn như thế? Vào một buổi sáng nọ, ngồi tỉnh tọa thiền định bên bờ hồ, một con mèo hoang rình mò đàn cá bên dưới, chuẩn bị thịt một con cá kém may mắn. Ở trong hoàn cảnh này, bản thân em có nên ngăn con mèo, cứu lấy mấy con cá? Việc làm này có phải là thiện? Con mèo ấy đang đói, nhất định nó sẽ đi tìm một con mồi khác để ăn. Thế là vô tình gây oán với hai đối tượng, một là con mèo, hai là con vật bị ăn. Nếu nó biết người đã ngăn cản con mèo ăn con cá, cũng như thế.
Thế giới chuyển vận biến động khó tránh, không thể nói tốt hay xấu, cũng như ngày qua đêm, đêm sang ngày, rồi xuân hè thu đông nối tiếp. Vạn vật vốn như thế. Đến khi nào tâm ta không còn động trước cảnh trần, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đó là cảnh giới của an lạc tự tại.